Gọi tên một thời đã qua

Cho đến bây giờ, khi nhắc lại những ngày tháng tìm kiếm tư liệu, gặp gỡ những nhân chứng sống của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 để viết tác phẩm Chuyện năm 1968, nhà văn Trầm Hương vẫn còn rung động. Đó là những ghi chép chân thật và xúc động về những con người bình dị đã cùng nhau làm nên lịch sử: những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, những người phụ nữ anh hùng của Sài Gòn - Gia Định. Tác phẩm được trao giải B của Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" năm 2019.

Một số tác phẩm truyện ký nổi bật, được trao giải thưởng trong những năm qua

“Năm ấy, có người mẹ ôm trên tay đứa con chưa đầy hai tuổi dẫn đoàn quân bước vào trận chiến sinh tử. Năm ấy, có người vợ chưa kịp ăn cùng chồng trái táo cắt đôi đã nuốt vội nước mắt tiễn chồng vào trận đánh mà cái chết hiển hiện ngay trước mặt. Năm ấy, chỉ sau một đêm, có quá nhiều người vợ góa chồng, khắc vào tim lời trăng trối của người lính trước lúc ra đi. Và phía sau những người phụ nữ ấy là nhà tù, cái chết, những năm tháng cô đơn dài dằng dặc của kiếp người...” - nhà văn Trầm Hương xúc động chia sẻ. Bằng sự đồng cảm và rung động sâu sắc của người cầm bút, chị đã chọn kể với người đọc những điều giản dị nhưng cao quý, đẹp đẽ nhất về những con người của một thời.

Trong số các tác phẩm được trao giải thưởng chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" những năm gần đây, còn có truyện ký Chim Sắt bay qua vùng bão (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2015) của nhà văn Võ Thu Hương. Tác phẩm viết về cuộc đời nữ biệt động Lê Thị Thu Nguyệt (có biệt danh là Chim Sắt), là một trong hai nữ biệt động đầu tiên của Đơn vị biệt động 159.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà được kể từ khi còn nhỏ cho đến lúc hoạt động cách mạng, lập nhiều chiến công rồi bị bắt, ba lần vào nhà tù Côn Đảo, trải qua thời tuổi trẻ kiên cường trong các nhà tù Biên Hòa, Sài Gòn. Hồi ức của một nhân vật nhưng khắc họa cả một giai đoạn lịch sử, tâm thế và ý chí chiến đấu của một thế hệ. 

 

Nhà văn Đỗ Viết Nghiệm cũng rất thành công với truyện ký Nguyễn Văn Đức người anh hùng tàu không số huyền thoại (giải B giải thưởng "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" 2018), và mới đây nhất là tác phẩm Trần Hữu Nghiệp - Đời là kẻ sĩ (nhà xuất bản Thanh Niên, 2021). Tác phẩm viết về Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nguyễn Văn Đức - nguyên thuyền trưởng tàu không số - một trong những cán bộ chiến sĩ tham gia chuyến tàu đầu tiên vượt biển ra Bắc vào tháng 6/1961 gặp Bác Hồ. Tác phẩm của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm đầy ắp tư liệu giá trị về đoàn tàu huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. 

Tạo điều kiện cho tác phẩm tiếp cận công chúng
So với các tác phẩm thuộc thể loại khác của văn chương, truyện ký rất ít khi có những buổi ra mắt bạn đọc. Với tác phẩm được đầu tư sáng tác lại là “sách không bán” thì càng khó đến với công chúng. Đưa sách về các trường, tổ chức những buổi giao lưu tác giả - tác phẩm, xây dựng chuyên đề/tọa đàm văn chương, giao lưu với nhân vật lịch sử… đều là những sự kiện ý nghĩa, hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thách thức với người cầm bút

Truyện ký là thể loại giao nhau giữa văn học và cận văn học (báo chí, chính luận, ghi chép tư liệu), thường được viết theo lối tường thuật hoặc tự sự. Truyện ký luôn chứa đựng rất nhiều thông tin, tư liệu về lịch sử - văn hóa của một giai đoạn/một vùng đất. Đây tưởng chừng là thể loại dễ viết, nhưng để viết hấp dẫn, thu hút người đọc lại rất khó.

“Thử thách lớn nhất đối với tôi khi viết Chim Sắt bay qua vùng bão là phải làm sao dựng lại được thời đại mà nhân vật đang sống. Tuổi thơ và cuộc đời hoạt động cách mạng của cô Lê Thị Thu Nguyệt trải dài từ thời kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ. Có lúc tôi đã ngừng lại đến bốn tháng vì không hài lòng với những trang viết của mình” - nhà văn Võ Thu Hương bày tỏ. Chim Sắt bay qua vùng bão (lần in đầu tiên vào năm 2013 của Nhà xuất bản Kim Đồng có tựa là Nụ cười Chim Sắt), là một trong những tác phẩm làm nên dấu ấn của nhà văn Võ Thu Hương. 

Lịch sử đã được ghi lại bằng những dấu mốc về thời gian, địa điểm, những chiến công… Nhưng trong tác phẩm văn học, nhà văn phải dựng lại được bối cảnh, không khí của thời đại. Và điều cốt lõi nhất, có thể chạm đến trái tim người đọc vẫn chính là thân phận con người. Nếu chỉ đơn thuần là ghi chép tư liệu, truyện ký rất dễ trở thành tác phẩm mô phỏng, khô khan.

“Khi đọc tác phẩm Chân trần chí thép của cựu chiến binh người Mỹ James G. Zumwalt, tôi đã vô cùng xúc động với những chi tiết đắt giá ông kể. Tôi học được ở ông cách khai thác tư liệu, cách nhìn về con người và khám phá thế giới nội tâm để tìm ra nỗi đau và vẻ đẹp lấp lánh của họ. Thân phận con người trong chiến tranh là đề tài không bao giờ cũ, quan trọng là cách tiếp cận và thể hiện của người viết. Tôi tin nếu tác phẩm đủ sức rung động, thì thể loại này sẽ có sức sống. Bởi đây cũng là thể loại cho bạn đọc tiếp cận sự thật của lịch sử một cách chân thực nhất” - nhà văn Trầm Hương chia sẻ. 

Những người cầm bút viết truyện ký thành công có thể kể đến những tên tuổi nhà văn: Mã Thiện Đồng, Nguyễn Minh Ngọc, Đỗ Viết Nghiệm, Trầm Hương, Võ Thu Hương… Thể loại đòi hỏi lao động dấn thân, đặt ra nhiều thách thức đối với nhà văn, nhưng vẫn luôn nằm ở dòng chảy trầm của văn chương.

Truyện ký âm thầm vụt sáng với những giải thưởng cũng đã góp phần định vị giá trị của tác phẩm và thể loại này.

Lục Diệp